Tuesday, November 22, 2016

Hội thảo khoa học về sự phối hợp thống nhất hành động giữa MTTQ và các tổ chức thành viên



Ngày 22-11, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo “Sự phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên mặt trận trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước hiện nay – Thực trạng và giải pháp”.
 




 

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Tiến sĩ Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Phù Tiêu – Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học; lãnh đạo Ủy ban MTTQ các tỉnh: Bắc Ninh, Hòa Bình và Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh, Ủy ban MTTQ 13 huyện, thành, thị.


Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận các chuyên đề: Phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên MTTQ trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước – phương thức hoạt động hiệu quả của MTTQ Việt Nam; vai trò chủ trì phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên của mặt trận trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; đề xuất, kiến nghị các điều kiện đảm bảo hiệu quả phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên của MTTQ Việt Nam trong tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Phú Thọ; phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên mặt trận trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh Hòa Bình – Thực trạng và giải pháp…


Hội thảo nhằm làm rõ ý nghĩa của sự phối hợp giữa các tổ chức thành viên và vai trò chủ trì thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; góp phần nghiên cứu, đề xuất, tham mưu giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vận dụng vào thực tế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác mặt trận trong tình hình mới.


Hương Giang






Hội thảo khoa học về sự phối hợp thống nhất hành động giữa MTTQ và các tổ chức thành viên

Sunday, November 20, 2016

"Cát tặc" lại lộng hành trên sông Lô

Sau một thời gian tạm thời im lắng do các lực lượng chức năng của tỉnh quyết liệt dẹp bỏ, hiện nay tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô đoạn đi qua thành phố Việt Trì… lại tái diễn.



Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ngày càng ngang nhiên, hoạt động cả ngày, làm sạt lở hàng ngàn m2 đất bãi bồi ven sông, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.


Ngang nhiên khai thác


Từ nhiều tháng nay, tại khu vực bãi Bến Lấp, Cửa Sộp, Ba Hàng thuộc khu 3, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì liên tục xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Có thời điểm tới 6 tàu cẩu cùng tham gia khai thác cát trái phép, hoạt động cả ngày. Nhiều đoạn đất bãi bồi ven sông trồng ngô của người dân đã bị sạt trượt cao tới 2-3 m, đất rơi xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Các chủ tàu còn chôn cọc sắt, giăng hàng rào bằng dây thép gai lên diện tích đất bãi trồng ngô để cản trở người dân và chính quyền xã đến kiểm tra.


Tình trạng khai thác cát trái, sỏi phép vẫn diễn ra trên con sông Lô. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN


Theo ông Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Sông Lô, từ tháng 9/2016 đến nay, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn xã đã làm mất khoảng 2.000 m2 đất bãi bồi, với chiều dài 100 m, sâu vào bãi hơn 20 m. Đây là diện tích bãi bồi, xã giao cho người dân trông ngô từ hàng chục năm nay.


Ngày 21/9, UBND xã đã tổ chức kiểm tra, xác minh cụ thể và đã báo cáo lên UBND và Công an thành phố Việt Trì có hướng xử lý, tuy nhiên suốt từ đó đến nay tình trạng khai thác cát trái phép vẫn không chấm dứt, mà ngày càng công khai. Ngày 10/11, UBND xã tiếp tục chỉ đạo Ban công an xã mời chủ tàu lên làm việc về việc khai thác cát nhưng chủ tàu không phối hợp. Việc khai thác cát trái phép đã gây bức xúc trong nhân dân, xã đã làm công văn báo cáo hiện tượng này lên cấp trên…


Còn tại đoạn sông Lô thuộc khu vực xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tình trạng khai thác cát trái phép cũng càng rầm rộ và công khai không kém . Theo ghi nhận tại đoạn sông này, từ nhiều ngày nay tại khu vực thuộc chỉ giới từ 1-19, thường xuyên có từ 5-6 tàu hút cát hoạt động cả ngày. Nhiều tàu hút cát không tên, không biển hiệu ngang nhiên bới múc sát bờ sông để khai thác cát. Một số đoạn sông của xã đã bị sạt trượt cao tới vài m, làm diện tích trồng ngô, chuối của người dân đã bị rơi xuống sông.


Khu vực tàu đang khai thác cát trái phép nằm sát với dự án đầu tư xây dựng Bãi bốc xếp hàng hóa, với diện tích 6,9 ha của Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật. Theo UBND xã Trưng Vương, dự án này đã được UBND tỉnh giao đất từ tháng 4/2016 để thực hiện đầu tư xây dựng Bãi bốc xếp hàng hóa. Tuy nhiên sau gần một năm được giao đất, đến nay Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật vẫn chưa triển khai dự án. Từ nhiều tháng nay, tàu thuyền vẫn tự do ra vào khai thác cát trái phép tại khu vực này mà chưa bị bất cứ lực lượng chức năng nào đến kiểm tra, xử lý.


Theo quy định của UBND tỉnh các chủ mỏ, chủ bến bãi bốc xếp phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu vực lân cận, không gây sạt lở bờ, không để các đối tượng, các tổ chức, cá nhân tự ý mua bán đất, khai thác cát sỏi trái phép; đồng thời phải phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép khu vực lân cận…Việc Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật buông lỏng quản lý, không bảo vệ khu vực lân cận để các cá nhân lợi dụng để khai thác cát trái phép đã vi phạm các quy định của tỉnh.


Theo thống kê, chỉ riêng đoạn sông Lô qua địa bàn 2 xã Sông Lô và xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì thường xuyên có từ 10-12 tàu thuyền chuyên hút cát trái phép. Bình quân một ngày, với 3 lao động, một tàu có thể hút được 600-800 m3 cát. Như vậy, trung bình mỗi ngày các tàu khai thác từ 7.000-8.000 m3 cát. Giá mỗi khối cát bơm lên tàu hiện bán với giá giao động từ 16-18.000 đồng/m3, mỗi ngày nhà nước thất thu 13-14 tỷ đồng.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện nay sông Lô đoạn qua địa bàn các xã Sông Lô, Trưng Vương từ năm 2009 đến nay chưa có đơn vị nào được cấp giấy phép khai thác cát sỏi. Việc một số tàu tự ý vào khai thác cát tại vị trí nêu trên là khai thác trái phép.


Quy định nghiêm ngặt


Việc khai thác cát, sỏi trái phép gây biến đổi dòng chảy, cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp đến nhiều công trình đê, kè và nhà cửa, ruộng vườn của hàng trăm hộ dân. Cùng với đó là việc các phương tiện khai thác cát sỏi đỗ đậu không đúng nơi quy định, lấn luồng, tạo nên những yếu tố gây cản trở và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.


Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trên các tuyến sông chạy qua địa bàn tỉnh, thời gian qua UBND Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm; lập các tổ chốt an ninh trực 24/24h tại các xã là điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi để theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát sỏi.


Đồng thời tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khai thác trong chỉ giới được cấp phép; đăng ký số lượng, chủng loại, biển hiệu các phương tiện tàu thuyền khai thác cát sỏi của đơn vị và đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của công nhân vận hành khai thác với UBND các xã có mỏ và các cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương dọc tuyến sông Lô kịp thời phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.


Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đưa ra 6 quy định mới bắt buộc các doanh nghiệp khai thác cát phải thực hiện nghiêm: Thực hiện cắm mốc giới mỏ bằng cột bê tông; cắm biển báo có sơ đồ khu vực khai thác; gắn biển đề tên Công ty lên phương tiện khai thác; đăng ký số lượng, số hiệu, chủng loại thiết bị khai thác với cơ quan chức năng và các địa phương; chỉ được khai thác từ 6h đến 18h, không khai thác ban đêm; cung cấp hồ sơ giấy phép khai thác, bản đồ khu vực khai thác cho địa phương và các cơ quan liên quan; nghiêm cấm khai thác, neo đậu tầu thuyền tại 10 khu vực xung yếu và 5 vị trí kè tại trên tuyến sông Lô…




"Cát tặc" lại lộng hành trên sông Lô

Nghẹn lòng chuyện đời của cô giáo 70 tuổi chỉ có 3 năm đứng trên bục giảng

Mơ ước được trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng từ khi còn nhỏ, để rồi ước mơ ấy cũng thành hiện thực. Nhưng chớ trêu thay cô Hà Thị Mai lại chỉ có thể đứng trên bục giảng 3 năm, thời gian còn lại số phận nghiệt ngã buộc giấc mơ năm nào trên chiếc giường dát tre mục nát.

Có lẽ không khó để tìm được con đường vào nhà cô Hà Thị Mai 70 tuổi (thôn Dung, xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê , Phú Thọ). Bởi dường như tất cả người dân xã Tam Sơn đều biết đến hoàn cảnh của gia đình người phụ nữ đáng thương này.


Trên đường dẫn chúng tôi vào nhà cô Mai, Bà Tạ Thị Lâm trưởng khu dân cư số 1, xã Tam Sơn cho biết, “Trong khu có khoảng 3 trường hợp nằm liệt giường nhưng hoàn cảnh của cô giáo Hà Thị Mai neo đơn nhất, nhắc đến ai cũng thấy đau lòng cho số phận cũng như giấc mơ còn dang dở ấy”.
Giấc mơ của cô giáo trẻ Hà Thị Mai năm nào phải gác lại bởi căn bệnh liệt nửa người. Giấc mơ của cô giáo trẻ Hà Thị Mai năm nào phải gác lại bởi căn bệnh liệt nửa người.


Trong ngôi nhà 3 gian chông chênh trên mỏm đất của bà Hà Thị Phương ở thôn Dung, xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê, (Phú Thọ) chúng tôi được nghe câu chuyện về một cô giáo mà suốt cuộc đời chỉ vỏn vẹn 3 năm đứng trên bục giảng.


Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây ở độ tuổi xuân xanh, cô giáo Hà Thị Mai lúc đó 22 tuổi cái tuổi đầy ước mơ hoài bão của sức trẻ. Nhưng ai ngờ thời gian đứng lớp tại trường tiểu học Ngô Xá, huyện Cẩm Khê chỉ vỏn vẹn 3 năm (1965 -1969). Lần ấy trong một lần chấm thi trở về nhà cô bất ngờ bị mờ mắt, sau đó cơn đau dữ dội kéo đã đã khiến nửa người không thể nào cử động được.
Ngôi nhà mái lá là nơi trú chân của cô Mai suốt những năm cuộc đời từ khi phải từ bỏ giấc mơ. Ngôi nhà mái lá là nơi trú chân của cô Mai suốt những năm cuộc đời từ khi phải từ bỏ giấc mơ.


Từ một cô giáo xinh xắn, giỏi giang bỗng trở thành người thực vật, vệ sinh cá nhân không thể nào tự chăm sóc cho mình được. Cứ như vậy suốt năm mươi năm qua cô sống nhà vào bàn tay của mẹ, của cô cháu nghèo khổ bên căn nhà lá vách liếp nhỏ manh, chông chênh trên mỏm đồi.


Khi thấy chúng tôi vào thăm, cô Mai cất tiếng chào, giọng nói còn khá lưu loát dễ nghe. Hơn năm mươi năm không đứng lớp đủ để cô không còn nhớ kỉ niệm về các em học sinh, kí ức đứt đoạn về mái trường, đồng nghệp và khắc khoải nỗi nhớ viên phấn, bục giảng.


Bà Hà Thị Phương năm nay 63 tuổi (là cháu ruột, gọi cô giáo Hà Thị Mai là Dì) xúc động khi kể về gia đình mình, về cuộc đời người dì bất hạnh phải nằm liệt giường mấy chục năm qua.
Bà Phương chia sẻ với PV về cuộc đời của người dì bất hạnh. Bà Phương chia sẻ với PV về cuộc đời của người dì bất hạnh.


Bà Phương cho biết: “Mùa hè hay mùa đông cũng vậy vẫn chỉ có manh dát tre cho cô nằm, vì nhà quá ít người nên không có ai túc trực chăm sóc thường xuyên. Ngày trước còn ở nhà liếp tre, mái lá thì nền đất vệ sinh rất khổ, nay có nền gạch hoa nên đỡ hơn”.


“Hôm nọ có một anh học sinh cũ của (Cô Mai) thấy hoàn cảnh như vậy mua bỉm về đóng, chứ suốt mấy chục năm qua đều tự tay tôi làm hết”, bà Phương nói.


Trong khi đó, gia đình bà Phương cũng thuộc hộ nghèo của xã. Bà có 5 người con, thì đến có 4 người không tròn vẹn. Kinh tế chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng sâu, miệng ăn thì đông người làm lại chỉ có mình bà Phương nên cuộc sống rất túng quẫn.


Cũng theo ba Phương: “Hiện tại căn nhà 3 gian đang ở là ở nhà người cậu cho ở nhờ vì căn nhà liếp lợp lá của bà không thể ở được nữa. “Nhà nước có hỗ trợ tiền xây nhà nhưng tôi để lại cho thằng đầu ở, không biết mai kia cậu nó về lấy lại nhà thì chúng tôi ở đâu?”.


Cứ như vậy, suốt hơn năm mươi năm qua cô Hà Thị Mai phải từ bỏ giấc mơ khi cô còn quá trẻ; trở thành “gánh nặng” của người thân trong gia đình. Nhưng chẳng ai trách cô mà thay vào đó là niềm thương xót số phận bất hạnh của cô giáo trẻ năm nào.



Nghẹn lòng chuyện đời của cô giáo 70 tuổi chỉ có 3 năm đứng trên bục giảng

Trường THPT Thanh Thủy kỷ niệm 50 năm thành lập





Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc trao Huân chương Lao động hạng Nhất; bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh cho nhà trường nhân kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc trao Huân chương Lao động hạng Nhất; bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho nhà trường nhân kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển.

Ngày 20-11, Trường THPT Thanh Thuỷ, huyện Thanh Thuỷ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường (1966 – 2016), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng công nhận Trường trung học đạt chuẩn Quốc gia.


Tới dự có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Kế San – Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Hoàng Hương-TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Bộ GD&ĐT; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Thanh Thuỷ; các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh qua các thời kỳ…


50 năm qua, Trường THPT Thanh Thủy đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu giáo dục của ngành cũng như địa phương. Đến nay, trường đã có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia với 27 lớp và 1.044 học sinh, 100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm tỷ lệ 17%, nhiều người được công nhận là giáo viên cốt cán của tỉnh, giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp 5 năm học gần đây đạt trên 99%; số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh hằng năm đứng thứ 1, thứ 2 trong khối các trường THPT không chuyên của tỉnh. Tham gia các cuộc thi khác, trường đều có học sinh đạt giải cao từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia; nhiều năm liên tục trường được nằm trong trong tốp 200 trường có điểm thi đại học cao nhất cả nước.


Từ năm 2015 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia, trường tiếp tục đứng đầu tỉnh với trên 70% học sinh đỗ đại học, trong đó có nhiều em đạt từ 27 điểm trở lên, nhiều em đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học danh tiếng. Từ mái trường này, đã có hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp, trong đó nhiều người đã trưởng thành và nắm giữ các cương vị chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, trở thành tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, các nhà khoa học, nhà giáo, bác sỹ, các doanh nhân thành đạt… Với những kết quả đã đạt được, nhà trường liên tục được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua cùng các phần thưởng cao quý khác.
 




Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San trao tặng Bằng công nhận Trường trung học đạt chuẩn Quốc gia cho nhà trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San trao tặng Bằng công nhận Trường trung học đạt chuẩn Quốc gia cho nhà trường.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng chí Hà Kế San gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ nhà giáo của tỉnh Phú Thọ nói chung nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; biểu dương, ghi nhận những thành tích mà các thế hệ cán bộ, thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Thanh Thuỷ nói riêng đã đạt được trong 50 năm qua. Đồng chí yêu cầu thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh dân chủ trong mọi hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Đảng, Ban giám hiệu và các tổ chức chính trị, xã hội trong nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.


Làm tốt công tác tuyển chọn, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, phấn đấu tăng số lượng cũng như chất lượng học sinh giỏi, tiếp tục giữ vững danh hiệu, xứng đáng là một trong những trường lá cờ đầu của khối THPT. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để đội ngũ cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, hết lòng vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục.


Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất; bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh cho nhà trường nhân kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San trao tặng Bằng công nhận Trường trung học đạt chuẩn Quốc gia cho nhà trường.


Nhân dịp này, Trường THPT Thanh Thuỷ đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển nhà trường giai đoạn 1966 – 2016.


Anh Thơ






Trường THPT Thanh Thủy kỷ niệm 50 năm thành lập

Saturday, November 19, 2016

Trường THCS Lâm Thao kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Ngày 19-11, Trường THCS Lâm Thao tổ chức lễ kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Dự buổi lễ có đồng chí Vương Đức Thủy – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo…


Trải qua 17 năm trưởng thành và phát triển, Trường THCS Lâm Thao đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh cho quê hương Lâm Thao, nhiều em đã trở thành những học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi quốc tế. 5 năm trở lại đây, nhà trường liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Từ năm học 2010-2011 đến năm học 2012-2013, nhà trường được được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen lần 2, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua của ngành, trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2, Công đoàn nhà trường được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh tặng Cờ thi đua; năm học 2014-2015, nhà trường tiếp tục được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong các phong trào thi đua và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.


Trong năm học 2015-2016, trường có 9 học sinh đạt giải Toán Hoa Kỳ mở rộng, trong đó có 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 4 giải Khuyến khích; 1 học sinh đạt giải xuất sắc Toán quốc tế Kangaroo; 10 giải Toán Hà Nội mở rộng; nhiều giáo viên, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện…


Tại buổi lễ, đồng chí Vương Đức Thủy ghi nhận, biểu dương những thành tích mà thầy và trò Trường THCS Lâm Thao đã đạt được trong những năm qua; đề nghị thời gian tới nhà trường cần thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt”, giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu trong khối THCS của huyện, phấn đấu đứng vị trí tốp đầu các trường THCS chất lượng cao của tỉnh.


Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường THCS Lâm Thao- đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2015-2016.



Trường THCS Lâm Thao kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Friday, November 18, 2016

Biểu dương đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo tham gia tích cực chương trình xây dựng NTM và công tác xã hội tốt





Đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng lẵng hoa chúc mừng Ủy ban MTTQ tỉnh.
Đồng chí Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng lẵng hoa chúc mừng Ủy ban MTTQ tỉnh.

Ngày 19-11, Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác xã hội tốt lần thứ IV, giai đoạn 2011-2016.


Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Thị Thanh- Phó Chủ tịch  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hoàng Dân Mạc- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy: Trần Phù Tiêu- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Nguyễn Văn Khỏe- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phạm Xuân Khai- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Thanh Huyền- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí  Nguyễn Thanh Hải- TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo MTTQ tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; Ủy ban MTTQ 13 huyện, thành thị cùng 140 đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh…




Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho 10 cá nhân tiêu biểu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho 10 cá nhân tiêu biểu.

5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban ngành đoàn thể trong tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo đã cùng với các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác xã hội đạt hiệu quả tích cực. MTTQ tỉnh đã vận động nhân dân, hộ gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo nói riêng đã đóng góp quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số, các vị chức sắc, chức việc, các tôn giáo và đồng bào có đạo tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội.


Ghi nhận những đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo nói chung, 140 cá nhân điển hình được tôn vinh, khen thưởng nói riêng, tại hội nghị, đồng chí Hoàng Dân Mạc- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tặng lẵng hoa chúc mừng.


Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải biểu dương thành tích, những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu, xuất sắc trong đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong tích cực tham gia xây dựng chương trình nông thôn mới và công tác xã hội tốt; đề nghị thời gian tới, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể nhân dân phối hợp với các cấp uỷ đảng, chính quyền cần xác định những nội dung trọng tâm để triển khai thực hiện phong trào hiệu quả. Chủ động xây dựng các mô hình để nhân rộng, kịp thời biểu dương khen thưởng.
 




Đồng chí Trần Phù Tiêu- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao giấy chứng nhân cho các cá nhân có thành tích tham gia tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác xã hội tốt lần thứ IV, giai đoạn 2011-2016.
Đồng chí Trần Phù Tiêu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao giấy chứng nhận cho các cá nhân có thành tích tham gia tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác xã hội tốt lần thứ IV, giai đoạn 2011-2016.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân nói chung và các dân tộc, tôn giáo nói riêng về các chủ trương, đường lối, các phong trào thi đua và tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo, huy động nguồn lực tại chỗ, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KT – XH vùng dân tộc miền núi và các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Động viên đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện Quy chế dân chủ ở cở sở; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong việc vận động, khuyến khích người dân, cộng đồng dân cư thực hiện các phong trào thi đua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.




Tiết mục hát múa “Đoàn kết” chào mừng lễ biểu dương.
Tiết mục hát múa “Đoàn kết” chào mừng lễ biểu dương.

Tại hội nghị, 10 cá nhân, hộ gia đình được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 140 cá nhân điển hình đã được Uỷ ban MTTQ tỉnh cấp giấy chứng nhận biểu dương “ Những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực chương trình xây dựng NTM và công tác xã hội tốt” lần thứ IV, giai đoạn 2011-2016.


Hương Giang- Ngọc Tùng






Biểu dương đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo tham gia tích cực chương trình xây dựng NTM và công tác xã hội tốt

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ năm 2017





Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

* 15/17 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch


* Đồng ý chủ trương dừng thu phí tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng


Ngày 18- 11, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, thảo luận và cho ý kiến về các nội dung: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; tình hình thực hiện đầu tư công năm 2016, kế hoạch năm 2017; tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2016, xây dựng dự toán năm 2017; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân  sách năm 2016, tỉ lệ (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2017 – 2020; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 – 2020; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ (2016 – 2020). Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Vụ địa phương – Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Thanh Hải – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.


Với sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, năm 2016, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch so với mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá 2010) ước đạt 32.909 tỷ đồng, tăng 7,56% so năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt 32,9 triệu đồng, tăng 0,6 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 21.091 tỷ đồng, tăng 16,7%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.396 tỷ đồng, tăng 24%, cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,6%, còn 10,44%. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân được cải thiện; chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo được nâng lên, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…


Về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2016, tổng số vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ trên 3.700 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 79% so với kế hoạch. Việc tổng hợp, phân bổ các nguồn vốn trên được triển khai đảm bảo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết HĐND tỉnh.


Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 cho thấy, nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước đã hoàn thành vượt dự toán HĐND giao đầu năm. Thu, chi ngân sách được quản lý một cách chặt chẽ, có hiệu quả.


Kết luận nội dung trên, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc đánh giá cao những kết quả quan trọng đã đạt được về kinh tế – xã hội và nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nên đóng vai trò rất quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của cả giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện nhiệm vụ năm 2016, Phú Thọ đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được kết quả nhất định, 15/17 chỉ tiêu trong phát triển kinh tế – xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Đặc biệt, hai chỉ tiêu quan trọng là thu ngân sách và tốc độ tăng trưởng đạt cao đã đánh giá chất lượng tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên cần phải đánh giá rõ nét hơn nữa sự chuyển biến tích cực của ngành nông nghiệp, nhất là việc kêu gọi hàng loạt các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; xem xét, đánh giá lại nguyên nhân tại sao tốc độ tăng trưởng trong khu vực dịch vụ tăng chậm, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch.


Đối với kế hoạch đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh nguồn vốn chuẩn bị đầu tư để dành một phần kinh phí cho việc chống xuống cấp các di sản văn hóa lịch sử cấp tỉnh; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tranh thủ các nguồn vốn của trung ương và xã hội hóa đầu tư chống xuống cấp các di tích. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2017, tổng nguồn vốn phân bổ cho tỉnh thấp hơn so với năm 2016, trong khi đó nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế – xã hội ngày càng cao, bởi vậy cơ quan chức năng cần tăng cường khai thác các nguồn thu, có giải pháp quyết liệt chống thất thu ngân sách để tăng nguồn ngân sách cho năm 2017.


Tại hội nghị, BTV Tỉnh ủy đã nhất trí chủ trương dừng thu phí tham quan vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng, bắt đầu từ tháng 1 năm 2017.


Tiếp đó, BTV Tỉnh ủy đã nghe Sở TN&MT báo cáo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Phú Thọ. Kết quả thống kê đất đai tính đến 31/12/2015, tỉnh Phú Thọ có trên 353 nghìn ha, chiếm 1,07% diện tích tự nhiên của cả nước. Nhóm đất nông nghiệp trong 5 năm qua cơ bản phù hợp, đạt cao hơn so với chỉ tiêu đã được Chính phủ xét duyệt. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo tuân thủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng chí lưu ý, đối với đất rừng sản xuất, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản kiến nghị với Thủ tướng chuyển diện tích đất lâm nghiệp cho tỉnh quản lý sử dụng trước khi thực hiện cổ phần hoá các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn.


Đinh Vũ






Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ năm 2017

Thursday, November 17, 2016

ĐBQH tỉnh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ


Tiếp tục chương trình chất vất, chiều ngày 16/11 và sáng ngày 17/11, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành toàn thể phiên chất vấn.





ĐBQH tỉnh Hoàng Quang Hàm tham gia chất vấn tại hội trường


Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung: Thứ nhất, vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm. Thứ hai, giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức. Thứ ba, đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển bổ nhiệm cán bộ.


Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Cao Đình Thưởng – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ trưởng cho biết việc bổ nhiệm chức danh “hàm” ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước đến nay đã giải quyết và xử lý như thế nào? Nếu là đúng pháp luật và bảo đảm tính hợp lý, khoa học thì “hàm” có được sử dụng ở các địa phương cho thống nhất với các cơ quan trung ương không?


Trả lời chất vất của đại biểu Cao Đình Thưởng, Bộ Trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Việc xây dựng quy chế bổ nhiệm hàm, triển khai thực hiện Nghị quyết 87 ngày 28/11/2014 Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIII và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án bổ nhiệm chức danh hàm đối với cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã có tờ trình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, đề xuất chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện đề án. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp tục phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để đề xuất và báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành quy định về việc bổ nhiệm “hàm”, bởi vì hiện nay theo pháp luật các luật chưa có quy định về chức danh này.


Liên quan tới bất cập trong việc thi tuyển chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, đại biểu Hoàng Quang Hàm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề cập: Hiện nay việc chấm thi nâng ngạch lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp do Bộ Nội vụ chủ trì, cử tri và dư luận cho biết việc chấm thi rất chậm, có khi kéo dài hàng năm trời nên không minh bạch và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi. Nếu với lý do Bộ không đủ người, tại sao Bộ không phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương và chỉ nắm quyền quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm soát, Bộ trưởng sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng này, để minh bạch kỳ thi và đảm bảo quyền lợi của người dự thi.


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì thi nâng ngạch công chức đã thể hiện thứ bậc, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Việc nâng ngạch công chức phải thực hiện thông qua thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh. Như vậy, việc thi nâng ngạch, nâng chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương để đánh giá về năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức và thực hiện bổ nhiệm ngạch cao hơn. Trong các cơ sở để thực hiện bố trí và sử dụng đúng chế độ chính sách nâng ngạch trong thời gian vừa qua, đối với thi nâng ngạch của công chức đây là vấn đề mà hiện nay thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ Nội vụ. Trong thời gian qua Bộ Nội vụ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo phân cấp ủy quyền. Bộ Nội vụ đã ủy quyền cho 16 tỉnh tổ chức thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính. Đối với tỉnh nào có đủ điều kiện thì các tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền cho các tỉnh tổ chức thi nâng ngạch công chức, chỉ có trường hợp thi chuyên viên cao cấp thì số lượng của từng tỉnh rất ít nên tổ chức thi tập trung. Năm 2016 ngoài việc ủy quyền cho 16 tỉnh thi ở tại tỉnh, Bộ Nội vụ tổ chức theo 3 khu vực đối với các tỉnh còn lại không đủ điều kiện thi tập trung. Trong vòng 2 tháng Bộ trưởng giao cho các Chủ tịch hội đồng thi phải công bố kết quả, không để kéo dài thời gian. Trong những địa phương làm vừa qua, đúng 2 tháng đã công bố kết quả, minh bạch, rõ ràng; đối với thi tập trung chia cho 3 Thứ trưởng làm 3 nhiệm vụ khác nhau: Một thứ trưởng phụ trách Vụ Công chức, viên chức chỉ kiểm tra đầu vào; một Thứ trưởng là Chủ tịch Hội đồng thi không phụ trách lĩnh vực này; một Thứ trưởng làm Trưởng ban giám sát cũng không phụ trách việc thi cử. Vấn đề chấm điểm thi giao cho trường. Như vậy, tách bạch rõ ràng Bộ Nội vụ, cơ quan trực tiếp quản lý Vụ Công chức, viên chức sẽ không tham gia các khâu tiếp theo để đảm bảo tính công khai và minh bạch.


Việc tinh giản biên chế hiện nay còn bất cập, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ.


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Về vấn đề triển khai thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108 của Chính phủ thì kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước. Gắn chính sách tinh giản biên chế với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương và nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có quy định chế độ khen thưởng, kỷ luật phù hợp trong quá trình thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có đặt ra một nhiệm vụ, giải pháp kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả và không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức và tín nhiệm thấp mà không chờ cho đến hết nhiệm kỳ và hết tuổi công tác, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu và trình ra cấp thẩm quyền để hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức để triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nêu trên theo kết luận của hội nghị Trung ương.




ĐBQH tỉnh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016-2021





Đồng chí Hoàng Dân Mạc-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng Hội CTĐ tỉnh lẵng hoa tươi thắm và bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết-Đổi mới-Vì mọi người”.
Đồng chí Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng Đại hội Hội CTĐ tỉnh lẵng hoa tươi thắm
và bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết – Đổi mới – Vì mọi người”.

Ngày 17-11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016-2021 và long trọng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23-11-1946 – 23-11-2016). Dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đoàn Văn Thái – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký TƯ Hội CTĐ Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại biểu Hội CTĐ trong Khối thi đua của tỉnh, Cụm thi đua các tỉnh Trung du – Việt Bắc, đại diện các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ…


Chúc mừng Đại hội, thay mặt Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng chí Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tặng Đại hội Hội CTĐ tỉnh lẵng hoa tươi thắm và bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết – Đổi mới – Vì mọi người”.


Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Hội CTĐ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo. Các phong trào, cuộc vận động, mô hình do tổ chức hội phát động, triển khai đã và đang lan tỏa, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Hàng năm, có hàng triệu lượt người nghèo được tặng quà nhân dịp lễ tết, hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo được hưởng lợi từ các dự án, hỗ trợ giảm nghèo; hàng triệu người nghèo được tư vấn, chăm sóc sức khỏe…Cùng với sự phát triển chung của phong trào CTĐ cả nước, Hội CTĐ tỉnh chính thức được thành lập ngày 15-10-1969. 47 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Hội CTĐ các cấp trên địa bàn tỉnh luôn khắc phục khó khăn, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đưa phong trào, hoạt động của Hội không ngừng phát triển.
 




Đồng chí Đoàn Văn Thái - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký TƯ Hội CTĐ Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo từ thiện.
Đồng chí Đoàn Văn Thái – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký TƯ Hội CTĐ Việt Nam trao Kỷ niệm chương
Vì sự nghiệp nhân đạo cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo từ thiện.

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác hội và phong trào CTĐ tỉnh; 10/10 nhiệm vụ trọng tâm đều đạt và vượt chỉ tiêu do Đại hội CTĐ tỉnh lần thứ VI đề ra. Các cấp hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức hiệu quả 7 lĩnh vực hoạt động theo Luật hoạt động CTĐ cùng các phong trào, các cuộc vận động của Hội. Hệ thống tổ chức hội phát triển cả về quy mô và chất lượng. Các cấp hội tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ giúp đỡ cho gần 440 nghìn lượt đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hoạt động cả nhiệm kỳ đạt trên 117 tỷ đồng…Công tác xã hội nhân đạo được các cấp hội chú trọng, chủ động trợ giúp cho gần 226 nghìn lượt đối tượng dễ bị tổn thương; tập trung làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng với chiến dịch khám bệnh nhân đạo, các mô hình cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu cộng đồng, tặng thẻ bảo hiểm y tế, “nồi cháo nghĩa tình”. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện đã tiếp nhận trên 45 nghìn đơn vị máu, đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu, điều trị. Các phong trào của tổ chức Hội đã và đang hoạt động hiệu quả, toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.


Đại hội cũng đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ công tác hội và phong trào CTĐ tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó tập trung vào công tác xã hội nhân đạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân, sơ cấp cứu ban đầu và vận động hiến máu tình nguyện; thực hiện có hiệu quả 2 khâu đột phá: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, tăng cường vận động nguồn lực, tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả của công tác xã hội nhân đạo…


Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Bùi Văn Quang và đồng chí Đoàn Văn Thái biểu dương, ghi nhận những kết quả mà các cấp Hội CTĐ tỉnh đã đạt được những năm qua và nhấn mạnh: Các cấp hội CTĐ tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy lòng nhiệt tình, tự giác tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân; củng cố vững chắc tổ chức hội các cấp, cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt, phát triển mạng lưới tình nguyện viên và  chất lượng hội viên; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội, hướng mạnh hoạt động về cơ sở; tăng cường huy động và khai thác các nguồn lực để phát triển quỹ Hội, đẩy mạnh xã hội hóa công tác nhân đạo; tiến hành tổ chức cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng…
 




Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với BCH khóa mới, nhiệm kỳ 2016-2021.
Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với BCH khóa mới, nhiệm kỳ 2016-2021.

 


Đại hội đã suy tôn đồng chí Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Chủ tịch danh dự Hội CTĐ tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021.


Đại hội Hội CTĐ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã bầu Ban chấp hành gồm 35 đồng chí, bầu Ban kiểm tra gồm 5 đồng chí và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CTĐ Việt Nam lần thứ X. Trong phiên họp thứ nhất, BCH khóa mới đã bầu Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Trưởng Ban kiểm tra. Đồng chí Bùi Văn Huấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn được bầu giữ chức Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021.


Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội Hội CTĐ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016-2021.


Nhân dịp này, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo từ thiện được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo.


Phương Thảo






Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016-2021