Friday, September 30, 2016

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020



Ngày 30-9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020. Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Minh Châu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thanh Hải – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan.




Các đồng chí: Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Các đồng chí: Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Minh Châu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, tính đến nay, cả nước có 2.045 xã (chiếm 23% số xã), 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 13,1 tiêu chí/xã. Giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình là 851.380 tỷ đồng, trong đó 11,6% số vốn ngân sách Nhà nước, 88,4% số vốn đã huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau. Trong thực tiễn triển khai chương trình đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập: Một số địa phương mới chỉ tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền, đời sống và mức thụ hưởng thành quả NTM ở nhiều nơi còn bấp bênh.


Tại hội nghị đã triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016 về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 5-9-2016 về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và kế hoạch thực hiện phong trào thi đua của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Triển khai chương trình giai đoạn 2016-2020, một số mục tiêu cụ thể được đề ra:  Đến năm 2020 số xã đạt chuẩn NTM đạt 50%; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tổi thiểu là 193.155 tỷ đồng.


Tại tỉnh Phú Thọ, chương trình xây dựng NTM được triển khai sâu rộng và đạt được kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 26/247 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM, bình quân là 11,5 tiêu chí/xã và không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng hoàn thiện, công tác phát triển sản xuất được chú trọng, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 22 triệu đồng/người/năm. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã huy động được trên 5.800 tỷ đồng  thực hiện chương trình. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 124 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, không xã nào đạt dưới 8 tiêu chí. Dự kiến kinh phí trong giai đoạn này là trên 6.500 tỷ đồng. 


Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo, đạt được kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý mới để thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020; bố trí ngân sách triển khai chương trình đúng quy định, tập trung, trọng điểm, tránh dàn trải gây lãng phí, thất thoát nguồn lực. Các bộ, ngành phải cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng NTM trong kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, từng tổ chức. Nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, trọng tâm; tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình thông qua lồng ghép các nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM, phát huy vai trò phản biện, giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và cộng đồng dân cư.


Nguyễn Huế






Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Thursday, September 29, 2016

177 năm tù dành cho các bị cáo trong đường dây mua bán trái phép ma túy

Ngày 26-9, Tòa án Nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 20 bị cáo trong đường dây mua bán trái phép ma túy tổng hợp về các tội danh: “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đây là đường dây mua bán ma túy tổng hợp hoạt động liên tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Lạng Sơn và được xác định do Lưu Văn Bê, sinh năm 1969, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cầm đầu.


Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.


Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, hồi 12h ngày 17-10-2015, Phòng Cảnh sát  điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy Công an tỉnh bắt quả tang Ngô Quang Minh, SN 1974, trú tại khu 4A, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; thu giữ tại chỗ 8 gói ma túy đá (Methamphetamin) có trọng lượng 3,393g và 5 viên hồng phiến.


Tại cơ quan điều tra, Minh khai số ma túy trên mua của Hoàng Trọng Tính, sinh năm 1964, ở phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh và Trần Xuân Trường, sinh năm 1989, ở khu 2, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao. Cùng ngày, cơ quan CSĐT thi hành lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với Hoàng Trọng Tính, thu giữ 26 gói ma túy đá có trọng lượng 54,139g và 15 viên hồng phiến. Theo khai nhận của Tính, số ma túy trên Tính mua của Đỗ Mạnh Hà, sinh năm 1976, ở phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh với mục đích để sử dụng cho bản thân và bán kiếm lời. Tiến hành khám xét khẩn cấp đối với Đỗ Mạnh Hà, cơ quan điều tra đã thu giữ 50,895g ma túy đá, 18 viên hồng phiến.


Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan công an đã tiến hành bắt khẩn cấp đối với Trần Xuân Trường, ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao và Đào Đức Diệp, sinh năm 1983, ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Thu giữ tại nhà Diệp 17,308g ma túy đá, 149,992g ketamine, 480 viên hồng phiến, 90 viên thuốc lắc cùng một số dụng cụ dùng để sử dụng ma túy. Từ đây, cơ quan điều tra đã xác định đối tượng cầm đầu trong đường dây là Lưu Văn Bê, ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Mỗi khi có “đơn đặt hàng” Bê lại liên hệ qua điện thoại với một người Trung Quốc có tên là A Đan mang ma túy về bán.


Theo cơ quan CSĐT, trong khoảng thời gian từ tháng 6-2014 đến tháng 10-2015 đường dây ma túy của Lưu Văn Bê đã mua bán gần 3kg ma túy đá và ketamine, cùng hàng trăm viên hồng phiến (không xác định trọng lượng). Trong vụ án này, Lưu Văn Bê phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán 1kg ma túy đá.


Tại phiên xét xử, căn cứ vào các chứng cứ trong hồ sơ, thẩm vấn công khai tại tòa và xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Lưu Văn Bê 20 năm tù; Ngô Quang Minh 7 năm tù; Hoàng Trọng Tính 9 năm 6 tháng tù; Trần Xuân Trường 4 năm 6 tháng tù; Đỗ Mạnh Hà 9 năm tù; Đào Đức Diệp 16 năm tù. 14 bị cáo còn lại đều phải nhận mức án từ 2 đến 18 năm tù. Tổng hình phạt dành cho 20 bị cáo là 177 năm tù.


(Theo Báo Phú Thọ)



177 năm tù dành cho các bị cáo trong đường dây mua bán trái phép ma túy

"Xây dựng đời sống văn hóa phải chú trọng khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng…"

Là người đã có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp văn hóa, đồng thời là nhà quản lý, ông Phạm Bá Khiêm – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã dành thời gian cho phóng viên Báo Phú Thọ để cùng sẻ chia, trao đổi những nội dung xoay quanh phong trào có ý nghĩa xã hội lớn này – một lĩnh vực mà ông luôn tâm huyết và gắn bó…



– Thưa ông, ngược dòng thời gian, cách đây 15 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã chính thức đi vào cuộc sống. Là “người trong cuộc”, ông có thể tâm sự đôi điều về công tác triển khai thực hiện phong trào này?

– Trong những năm qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội”, cơ quan thường trực và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo đã trực tiếp chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện phong trào, cuộc vận động đến các đơn vị, hội viên, đoàn viên thuộc phạm vi quản lý.

Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung của phong trào được duy trì thường xuyên. Thông qua phân công, phân nhiệm cụ thể đã gắn trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo với phong trào của từng địa phương, đơn vị, qua đó tạo sự phối hợp, thống nhất trong chỉ đạo, tạo điều kiện để phong trào được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. 13/13 huyện, thành, thị đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào, tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp ban hành các nghị quyết chuyên đề và kế hoạch tổ chức thực hiện, đưa các chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm.

Công tác tuyên truyền, vận động đã được tập trung đẩy mạnh và luôn đi trước một bước, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội. Không chỉ vậy, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành của tỉnh, huyện, xã đã tạo ra sức mạnh tổng hợp và môi trường thuận lợi để triển khai phong trào hợp ý Đảng, lòng dân. Ngoài ra, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội cũng là điều kiện cần cho phát triển, nhân rộng phong trào, đặc biệt là khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân về trí tuệ, kinh nghiệm, vật chất, phát huy vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể sáng tạo trong các hoạt động của phong trào…

– Đến nay, có thể thấy, phong trào không chỉ phát triển về bề rộng mà ngày càng đi vào chiều sâu. Là người làm công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, trực tiếp tham gia chỉ đạo phong trào, ông thấy điều này được thể hiện như thế nào?

– Trước hết, có thể khẳng định rằng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sau khi được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực, góp phần tạo sự ổn định chính trị, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phát huy được nhiều nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Điểm nổi bật của phong trào là đã tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, thấm sâu vào đời sống cộng đồng, trở thành nếp sống văn hóa mới của mỗi gia đình, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị và đại bộ phận các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội, có sự chung tay, góp sức, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống.

Phong trào thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong nhân dân, là pháo đài vững chắc trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng vì động cơ vụ lợi, vì mục đích thương mại, phô trương hình thức, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ…

Cùng với sự vào cuộc tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân là sự đóng góp rất lớn của MTTQ các cấp, đặc biệt trong triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các tổ chức chính trị, xã hội cũng luôn tích cực đi đầu trong vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình tích cực tham gia phong trào có hiệu quả.

– Hiện nay 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhà văn hóa, điều đó thể hiện sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực của phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vậy ông đánh giá như thế nào về công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở?

– Có thể thấy, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thì nguồn lực để thực hiện phong trào cũng bắt nguồn từ việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuy nhiên, xã hội hóa ở đây không có nghĩa là khoán trắng và cũng không có nghĩa cứ đóng góp, ủng hộ thì có thể làm tùy ý mà xã hội hóa phải có sự vận động, định hướng, quản lý và phối hợp tổ chức thực hiện.

Qua quá trình triển khai thực hiện phong trào cho thấy, công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh ta được tiến hành khá bài bản và hiệu quả. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân hiểu và rất ủng hộ Nhà nước xây dựng các công trình công cộng như hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, khu luyện tập thể dục thể thao. Không chỉ bản thân tham gia ủng hộ mà còn tích cực vận động anh em, bạn bè, người thân cùng chung tay ủng hộ sức người, sức của để xây dựng thiết chế, phát triển phong trào theo hướng bền vững. Với sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, nhà tài trợ, hảo tâm, đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân nên thời gian qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao bằng nguồn lực huy động xã hội hóa đã lên đến hàng trăm tỉ đồng. Từ đó, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa và sân luyện tập thể dục thể thao. Bằng sự chung tay của toàn xã hội, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã và đang được phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp các địa phương, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các tiêu chí của phong trào, các khu dân cư, tổ dân phố đã tập trung giúp nhau giảm hộ nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã trở thành hoạt động thường xuyên và thu được nhiều kết quả. Từ nguồn quỹ này đã kịp thời hỗ trợ gần 153 tỷ đồng cho trên hàng chục ngàn hộ nghèo để xây dựng và sửa chữa nhà ở, duy trì và phát triển sản xuất và để các em học sinh nghèo có thêm điều kiện yên tâm học tập, trên 3 tỷ đồng được dùng để thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ, thân nhân cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc…

– Dưới góc độ người làm công tác quản lý văn hóa, trực tiếp tham gia chỉ đạo phong trào, ông có thể nêu những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện?

– Từ thực tiễn triển khai thực hiện phong trào cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền chính là điều kiện tiên quyết, là yếu tố chủ đạo, quyết định cho sự phát triển bền vững của phong trào trong đời sống cộng đồng. Thứ hai là hoạt động trách nhiệm, nhiệt tình của từng thành viên BCĐ các cấp, có sự phân công rõ trách nhiệm, công việc của từng ngành, từng cấp, từng thành viên, tránh được sự chồng chéo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện tốt xã hội hóa, huy động và phát huy sức mạnh nội sinh của các địa phương, dân tộc là khâu then chốt thực hiện thắng lợi phong trào. Thứ ba là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được Ủy ban Mặt trận tổ quốc chủ trì, phối hợp với chính quyền và các ngành  thành viên tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện đã tạo ra môi trường thuận lợi triển khai thực hiện phong trào và cuộc vận động. Cuối cùng là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, tích cực hưởng ứng thực hiện của nhân dân là tổng hòa các yếu tố quyết định thành công của phong trào. Đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

– Xin cảm ơn ông!

(Theo Báo Phú Thọ)


"Xây dựng đời sống văn hóa phải chú trọng khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng…"

Wednesday, September 28, 2016

Trao thưởng cho 28 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội



Ngày 29-9, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) (2000 – 2015) và 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội (2005 – 2015).
 

Tới dự có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Minh Châu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ viên Thường trực BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH Trung ương; Trịnh Thị Thanh Hằng – Uỷ viên Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hà Kế San – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị và đại diện các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào TDĐKXDĐSVH.


 

Sau 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH và 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn tỉnh, đã có tác động tích cực, tạo ra sự ổn định về chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phát huy được nhiều nguồn lực tham gia phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 87,6% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 86,6% khu dân cư được các cấp công nhận danh hiệu khu dân cư văn hoá; hơn 2.400 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị văn hoá” và danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”; gần 25 nghìn đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận và đưa vào ứng dụng trong sản xuất, làm lợi cho Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng; 31% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, nâng cấp, xây dựng mới; 100% số khu dân cư có nhà văn hoá…
 

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội có bước chuyển biến rõ nét, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi ở các địa phương, trong các cơ quan, đơn vị; một số lễ hội được phục dựng góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của người dân, xoá dần sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng sa.


 

Trong thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu có tác dụng nêu gương và tạo sức lan toả trong cộng đồng.
 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Dân Mạc và đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận và biểu dương các cấp uỷ đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, tổ chức triển khai, hưởng ứng tham gia, đưa phong trào và cuộc vận động đi vào cuộc sống thiết thực hiệu quả. Để phong trào và cuộc vận động phát triển ngày càng sâu rộng và có hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, BCĐ các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, phối hợp giữa MTTQ và các ngành, tổ chức chính trị xã hội trong triển khai thực hiện phong trào; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thực hiện gắn kết phong trào và cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục củng cố, kiện toàn và đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của BCĐ các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh về chính trị tư tưởng, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, trở thành cầu nối giữa Đảng với dân từ đó làm tốt công tác vận động quần chúng, làm cho mọi người, mọi nhà đoàn kết gắn bó chặt chẽ, cùng nhau tích cực tham gia phong trào…


 

Ghi nhận thành tích xuất sắc của các đơn vị tập thể, hộ gia đình, cá nhân trong 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH và 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội, tại hội nghị 28 tập thể và 17 cá nhân tiêu biểu đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…

 

Vĩnh Hà – Ngọc Tùng





Trao thưởng cho 28 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội

Nữ hiệu phó lừa chạy công chức, chiếm hơn 10 tỷ đồng

Công an tỉnh Phú Thọ xác định đã có 27 bị hại nộp cho Thủy hơn 4 tỷ đồng để chạy vào biên chế Nhà nước; 18 trường hợp đã cho Thủy vay 6,25 tỷ đồng, hiện không có khả năng hoàn trả…


Thiếu tá Nguyễn Văn Long, Đội trưởng Đội án 5, Phòng CSĐT cho biết: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, ngày 19-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Thị Bích Thủy (36 tuổi, trú tại tổ 3, phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) về hành vi lừa đảo chiểm đoạt tài sản.


Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Thủy đang là Phó Hiệu trưởng Trường trung học Cơ sở Tân Minh, huyện Thanh Sơn; còn chồng là Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao của một huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ…



Với vị thế này, Thủy dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người bị hại. Trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trú tại Phú Thọ) đang là giáo viên hợp đồng với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng.


Qua nhiều người, chị Nhàn biết tin Thủy có khả năng chạy biên chế đã chủ động gặp nữ hiệu phó này, dù không hề quen biết đối tượng. Qua trao đổi, Thủy hứa hẹn sẽ lo việc cho chị Nhàn vào công chức Nhà nước với chi phí khoảng 160 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu chị Nhàn đưa trước 80 triệu đồng, số còn lại sẽ hoàn trả khi có quyết định.


Sau 5 tháng, Thủy thông báo sắp có biên chế và yêu cầu nạn nhân Nhàn phải đưa số tiền còn lại. Vừa mừng, vừa lo, chị Nhàn đôn đáo khắp nơi vay thêm 100 triệu đồng nộp cho Thủy.


Tương tự tình cảnh trên, chị Nguyễn Thị Lan Hương (ở Việt Trì, Phú Thọ), một cán bộ hợp đồng xã vốn là chỗ quen biết với Đinh Thị Bích Thủy cũng đã bị lừa 180 triệu đồng để chạy vào công chức.


Về phía Thủy, toàn bộ khoản tiền chiếm đoạt được dùng để trả nợ và số tiền lãi vay ngân hàng do Thủy làm ăn thua lỗ. Vụ việc vỡ lở bắt nguồn từ đơn trình báo của một trong các bị hại gửi đến Công an huyện Thanh Sơn.


Khi Cơ quan CSĐT vào cuộc, Thủy khai đã nhận của chị Trương Thu Phương 118 triệu đồng, để xin cho người nhà là Trương Thị Tú Uyên (27 tuổi, trú tại xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn) vào biên chế công chức giáo viên tại huyện Tân Sơn.


Sau khi nhận tiền và hồ sơ, Thủy không xin được vào biên chế công chức đã sử dụng vào việc kinh doanh tại huyện Thanh Sơn. Đối với 9 trường hợp còn lại, Thủy không thừa nhận việc nhận tiền và hồ sơ xin việc làm cho các bị hại.


Hiện vụ án đang được điều tra, làm rõ. Đề nghị ai là bị hại của vụ án liên hệ với Công an tỉnh Phú Thọ để giải quyết theo quy định của pháp luật.


(Theo CAND)



Nữ hiệu phó lừa chạy công chức, chiếm hơn 10 tỷ đồng