Sunday, October 30, 2016

Phú Thọ vận động được hơn 60 tỷ đồng ủng hộ Quỹ 'Vì người nghèo'

Sáng 30/10, tại tỉnh Phú Thọ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2016. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh dự Lễ phát động.



Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh trao giấy chứng nhận cho các tổ chức cá nhân đã có nhiều đóng góp trong việc ủng hộ quỹ vì người nghèo.


Cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện các chương trình an sinh xã hội nhằm thể hiện tính nhân văn cao cả và ý nghĩa xã hội sâu sắc, nhằm tạo cơ hội cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống để sớm thoát nghèo.


Từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Phú Thọ tích cực tham gia ủng hộ Quỹ với số tiền thu được trên 181 tỷ đồng.


Nguồn lực này đã kịp thời hỗ trợ cho trên 12 ngàn hộ nghèo, hỗ trợ khám chữa bệnh cho 1.030 bệnh nhân nghèo và hỗ trợ học tập cho trên 2.322 học sinh con hộ nghèo trong tỉnh.


Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao, số hộ nghèo còn 37.649 hộ, trong đó có 7.129 hộ nghèo đang phải sống trong những căn nhà tạm bợ, trong đó có 5.300 hộ nghèo đăng ký xóa nhà tạm giai đoạn 2016-2020.


Trong thời gian qua, các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đến các tầng lớp nhân dân.


“Quá trình triển khai kế hoạch vận động đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với hoạt động tích cực và hiệu quả của các thành viên ban vận động; đặc biệt là sự đồng thuận ủng hộ, thống nhất cao của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên đã thu được những kết quả đáng khích lệ trong việc ủng hộ Quỹ”- ông Trần Phù Tiêu cho biết.


Sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động Quỹ ‘Vì người nghèo”, đã có 543 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm trong tỉnh Phú Thọ đã đăng ký và ủng hộ với số tiền 60 tỷ đồng, trong đó có 14 tập thể đăng ký ủng hộ trên 1 tỷ đồng, 33 tập thể đăng ký ủng hộ từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng…


Các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh cũng đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ Quỹ với số tiền đăng ký ủng hộ cho giai đoạn 2016-2020 là 37 tỷ đồng.


Trên cơ sở số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ, trong thời gian tới, Ban vận động tỉnh sẽ phối hợp xây dựng mức hỗ trợ cụ thể, hợp lý để cùng với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước và huy động thêm các nguồn lực khác giúp hộ nghèo triển khai xây dựng nhà ở, số tiền ủng hộ sẽ được chuyển đến tận tay người nghèo trong tỉnh, giúp người nghèo khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.


Đồng thời, trong giai đoạn 2017-2020, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp với cấp ủy, Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để có thêm nguồn lực hỗ trợ 5.300 hộ nghèo cải thiện về nhà ở, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.



Phú Thọ vận động được hơn 60 tỷ đồng ủng hộ Quỹ 'Vì người nghèo'

Thursday, October 27, 2016

Khai mạc triển lãm ảnh và phim phóng sự - tài liệu trong cộng đồng ASEAN tại Việt Nam



Ngày 27-10, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh chủ trì, giao Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông quốc tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức khai mạc “Triển lãm ảnh và phim phóng sự – tài liệu trong cộng đồng ASEAN tại Việt Nam”.
 




Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Tới dự có các đồng chí: Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban chỉ đạo triển lãm ảnh và phim phóng sự – tài liệu về đất nước con người – môi trường và biến đổi khí hậu – các dân tộc trong cộng đồng ASEAN năm 2016 tại tỉnh Phú Thọ; Hà Kế San – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Triển lãm; Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông quốc tế thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban tổ chức triển lãm; đại diện các Ban của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành, thị; các trường đại học, cao đẳng; lãnh đạo các phường: Gia Cẩm, Tiên Cát, Tân Dân thuộc thành phố Việt Trì và các đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Việt Trì…


Triển lãm giới thiệu hơn 300 tác phẩm ảnh và gần 60 phim phóng sự – tài liệu đạt giải và vào vòng chung khảo của Liên hoan Quốc tế Ảnh và Phim Phóng sự – Tài liệu về Đất nước con người trong Cộng đồng ASEAN năm 2010 (là năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN), Liên hoan Ảnh và Phim Phóng sự – Tài liệu về Bảo vệ môi trường và Biến đổi khí hậu trong Cộng đồng ASEAN năm 2013, Liên hoan Ảnh – Phóng sự và phim Tài liệu về các Dân tộc trong Cộng đồng ASEAN năm 2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.


Các tác phẩm phản ánh nhiều chủ đề phong phú như: Vẻ đẹp đất nước con người các quốc gia ASEAN, văn hóa truyền thống các nước ASEAN, vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hình ảnh các dân tộc trong cộng đồng các nước ASEAN. Đặc biệt, xuất hiện ở vị trí trang trọng trong Triển lãm còn có mẫu tem và mẫu dấu chung của các nước ASEAN.


Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Triển lãm như một lời kêu gọi nhân dân Việt Nam cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN, một cộng đồng vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân, nâng cao nhận thức của các dân tộc về sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Đây là thành quả của 49 năm nỗ lực hợp tác của tất cả các nước thành viên, ghi dấu mốc quan trọng của tiến trình liên kết ASEAN, trong đó Việt Nam được đánh giá là nhân tố quan trọng đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cho ASEAN”.


Thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San trân trọng cảm ơn Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn Phú Thọ tổ chức Triển lãm. Đồng chí khẳng định: Triển lãm Ảnh và Phim Phóng sự – Tài liệu trong cộng đồng ASEAN là dịp để nhân dân Phú Thọ tăng thêm sự hiểu biết về văn hóa, con người, môi trường sống của các quốc gia trong khu vực ASEAN, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân và học sinh, sinh viên về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Đồng thời đây cũng là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người, cũng như tiềm năng, cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của Phú Thọ đến với nhân dân trong nước và nhân dân các nước ASEAN”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng với sự thành công của “Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự – Tài liệu trong Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam năm 2016” sẽ góp phần tích cực hưởng ứng Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, về sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các lợi ích do Cộng đồng mang lại. Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, Ngành Trung ương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền về ASEAN và các hoạt động bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng các nước ASEAN.


Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự – Tài liệu trong Cộng đồng ASEAN 2016 diễn ra tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh từ ngày 27 đến 30/10/2016. Sau Triển lãm, toàn bộ ảnh và phim phóng sự – tài liệu sẽ được trao tặng lại UBND tỉnh  để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về cộng đồng ASEAN.


 *Trong khuôn khổ triển lãm “Ảnh và phim phóng sự – tài liệu trong cộng đồng ASEAN tại Việt Nam”, chiều cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc đã đến thăm quan triển lãm ảnh và xem phim tài liệu về cộng đồng ASEAN. Cùng đi có đồng chí Trần Phù Tiêu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn Phòng Tỉnh ủy… 
 




Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc cùng các đại biểu tham quan triển lãm
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc cùng các đại biểu tham quan triển lãm

Lãnh đạo Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông Quốc tế thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở TT-TT đã giới thiệu với Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong đoàn ý nghĩa, chủ đề của các tác phẩm ảnh, phim tài liệu về vẻ đẹp đất nước con người, văn hóa truyền thống và cộng đồng các nước ASEAN
 




 

Anh Thơ –  Phương Thanh






Khai mạc triển lãm ảnh và phim phóng sự - tài liệu trong cộng đồng ASEAN tại Việt Nam

Wednesday, October 26, 2016

Hội nghị Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm



Ngày 26-10, Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tổ chức hội nghị thảo luận các nội dung về: Kế hoạch công tác đảm bảo ATTP giai đoạn 2016- 2020 của tỉnh; quy chế hoạt động của BCĐ liên ngành, tổ công tác giúp việc BCĐ; phân công trách nhiệm quản lý và phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về ATTP trên địa bàn tỉnh.


Đồng chí Hà Kế San- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Trần Phù Tiêu- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; Nguyễn Thanh Hải- TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh; các thành viên BCĐ, đại diện lãnh đạo các sở ngành, huyện thành thị và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
 




Đồng chí Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Đồng chí Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành
về ATTP tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016- 2020 tỉnh ta sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Với mục tiêu nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng; tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP và cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; cải thiện rõ rệt tình trạng đảm bảo ATTP của các cơ sở kinh doanh thực phẩm; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, các nhóm giải pháp  được tạp trung thực hiện là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các cấp đối với công tác đảm bảo ATTP, triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm làm thay đổi hành vi về ATTP; tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP các cấp; xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về ATTP; xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý ATTP tiên tiến; nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm… Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 44 tỷ đồng.


Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đảm bảo ATTP giai đoạn 2016- 2020, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung liên quan như đối tượng quản lý trong công tác đảm bảo ATTP, ngoài các trang trại, gia trại, các cơ sở sản xuất lớn, phải bao gồm cả các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ; bổ sung trách nhiệm của chính quyền các cấp, vai trò giám sát cộng đồng trong công tác ATTP; công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP cần đẩy mạnh hơn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cả người sản xuất và người tiêu dùng….


Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San yêu cầu đơn vị soạn thảo bổ sung, chỉnh sửa bố cục, nội dung của kế hoạch cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính hợp lý, đúng quy phạm văn bản pháp luật, làm rõ thêm các nhóm giải pháp và nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP. Thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về ATTP cho nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể; nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng về ATTP, phân công cán bộ theo dõi công tác ATTP ở xã, phường, khu dân cư; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đảm bảo ATTP…


Hội nghị cũng đã thông qua nội dung Quy chế hoạt động của BCĐ liên ngành và Tổ công tác giúp việc về ATTP  tỉnh, phân công trách nhiệm quản lý và phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về ATTP giữa các sở và UBND cấp huyện, xã.


Mai Phương






Hội nghị Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm

Tuesday, October 25, 2016

Trao bò giống cho hộ nghèo huyện Đoan Hùng



Ngày 25-10, tại xã Hùng Quan, huyện Đoan Hùng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ  tỉnh phối hợp với Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn VinGroup tổ chức làm điểm trao bò cho 25 hộ nghèo trên địa bàn xã. Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Phù Tiêu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo “Ngân hàng bò giống” tỉnh; Nguyễn Thanh Hải –  TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng một số ban, ngành liên quan…


 




Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Quỹ Thiện tâm- Tập đoàn Vingroup trao bò cho hộ nghèo xã Hùng Quan .
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Quỹ Thiện tâm- Tập đoàn Vingroup trao bò cho hộ nghèo xã Hùng Quan .

Chương trình “Ngân hàng bò giống sinh sản” nằm trong các hoạt động từ thiện của Quỹ Thiện Tâm thuộc tập đoàn Vingroup nhằm giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện để sản xuất, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững. Đây là chương trình cam kết phối hợp giữa Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Quỹ Thiện tâm – Tập đoàn Vingroup về triển khai chương trình cho vay nuôi bò cái giống sinh sản cho hộ nghèo tại 3 huyện Thanh Ba, Đoan Hùng và Tam Nông với tổng số 300 con.


Ngoài 25 hộ nghèo của xã Hùng Quan được nhận bò tại buổi lễ, 75 hộ nghèo thuộc 3 xã  Đông Khê, Nghinh Xuyên và Vân Du, huyện Đoan Hùng cũng đã được nhận 75 con bò cái giống sinh sản. Đây là giống bò ngoại lai, độ tuổi trung bình từ 12 tháng, có sức khỏe đảm bảo theo Pháp lệnh thú y.


Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Phù Tiêu chỉ đạo nêu rõ nội dung, ý nghĩa nhân văn của chương trình; đề nghị các hộ dân cần thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng bò theo đúng hướng dẫn, đảm bảo thức ăn cho bò; xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo yêu cầu; thường xuyên thông tin trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng để bò sinh trưởng, phát triển tốt góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.


Sau khi dự lễ trao bò cho hộ nghèo tại xã Hùng Quan, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các đồng lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng.


Hương Giang






Trao bò giống cho hộ nghèo huyện Đoan Hùng

Monday, October 24, 2016

Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016- 2017



                        (Chỉ thị số : 18/CT – UBND ngày 17-10-2016 của UBND tỉnh)


Trong thời gian qua, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được các sở, ban, ngành và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn nhưng Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đã tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng xảy ra. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng tại các huyện Tân Sơn, Yên Lập, với tổng diện tích thiệt hại là 3,4ha. Nguyên nhân là do người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.


Hiện nay, đã bước vào mùa khô hanh, để tiếp tục tăng cường và chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016 – 2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:


1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã


– Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi xảy ra phá rừng, cháy rừng tại địa bàn nào, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó phải trực tiếp, huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại hiện trường, nhanh chóng đình chỉ hành vi vi phạm, tổ chức dập tắt đám cháy khi còn ở phạm vi hẹp; trường hợp vượt quá khả năng xử lý phải báo cáo trực tiếp lên cấp trên để có sự chi viện, ứng cứu kịp thời. Nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng mà không chỉ đạo xử lý kịp thời, gây thiệt hại lớn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh;


– Chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện và cấp xã, các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở; xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn với địa bàn trực tiếp chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;


– Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng. Chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở tăng thời lượng đưa thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cho từng khu vực để chủ rừng, người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;


– Chủ động rà soát xây dựng đường băng cản lửa; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp huyện, xã, các công ty lâm nghiệp và các chủ rừng; đảm bảo đầy đủ vật tư, dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ;


– Chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp giữa lực lượng cấp huyện (Công an, Quân đội, Kiểm lâm) nhất là trong công tác hiệp đồng phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo thực hiện tốt các cuộc diễn tập bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo kế hoạch được giao và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;


– Tăng cường quản lý, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ các hoạt động đốt dọn thực bì trồng rừng, phát nương làm rẫy và sử dụng lửa gần các khu vực có rừng; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có rừng quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo đúng Quyết định số 2213/2006/QĐ-UBND ngày 4 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hanh quy định xử lý thực bì bằng phương pháp đốt;


– Chỉ đạo thực hiện công tác tuần tra, canh gác; chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, thống kê báo cáo về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời đúng theo quy định.    


2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


– Chỉ đạo, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời xử lý các tình huống khi xảy ra cháy rừng;


– Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 10/2016/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2016 ban hành một số quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;


– Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh:


+ Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; phối hợp với các cơ quan thừa hành pháp luật tổ chức điều tra, xử lý và tham mưu cho các cấp chính quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng;


+ Chủ động rà soát, xây dựng đường băng cản lửa; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp huyện, cấp xã, các công ty lâm nghiệp và các chủ rừng; đảm bảo phương châm 4 tại chỗ; xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Huy động và tổ chức lực lượng vật tư, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.


+ Chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội thực hiện quy chế phối hợp; tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy lớn có thể xảy ra;


+ Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng I, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.


3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh


Tổ chức thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.


4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ


Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tăng cường tin, bài tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.


Yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện.


     CHỦ TỊCH
BÙI MINH CHÂU

 






Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016- 2017

Công ty TNHH Hải Linh đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước



PTo- Ngày 24-10, đồng chí Hoàng Công Thủy – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm và làm việc tại Công ty TNHH Hải Linh. Cùng dự có lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế và Văn phòng UBND tỉnh.


 




Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Công Thủy thăm Cảng xăng dầu Hải Linh mới hoàn thành đầu tư xây dựng.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Công Thủy thăm Cảng xăng dầu Hải Linh
mới hoàn thành đầu tư xây dựng.

Là doanh nghiệp đầu mối chuyên về nhập khẩu xăng, dầu, khí hoá lỏng, cung cấp cho thị trường khu vực miền Bắc và miền Nam, hiện Công ty TNHH Hải Linh có 6 đơn vị thành viên đang hoạt động trong khắp thị trường cả nước (trong đó tại Phú Thọ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hải Linh và Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Tây Bắc). Nhiều năm qua, Công ty đã có nhiều nỗ lực vượt lên khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, đồng thời, tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội của địa phương. Đặc biệt, Công ty luôn được ngành thuế đánh giá là một trong những doanh nghiệp có ý thức cao trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách với Nhà nước và trong vài năm gần đây Công ty luôn là một trong những doanh nghiệp tốp đầu có số thu nộp ngân sách lớn trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 9 năm 2016, tổng doanh thu của Công ty đạt trên 4.943 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước của toàn bộ hệ thống Hải Linh và các công ty con (bao gồm cả số của kỳ tháng 9 nộp sang tháng 10) đạt trên 1.839 tỷ đồng (trong đó, số nộp ngân sách nhà nước của Công ty TNHH Hải Linh và Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Tây Bắc – 2 doanh nghiệp của hệ thống Hải Linh đóng trên địa bàn tỉnh đạt 388,3 tỷ đồng); 415 lao động ổn định việc làm với thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến cả năm 2016, Công ty đạt tổng doanh thu 6.800 tỷ đồng, nộp NSNN tại tỉnh Phú Thọ 450 tỷ đồng.


Qua kiểm tra thực tế sản xuất kinh doanh, nghe lãnh đạo Công ty báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, kết quả thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2016, kiến nghị đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; nghe các sở, ngành liên quan tham góp ý kiến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Công Thủy đánh giá cao nỗ lực của công ty trong việc năng động, nhạy bén nắm bắt thị trường đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đưa Công ty ngày càng phát triển, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời, tăng đáng kể mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo thêm nguồn lực cho tỉnh. Đồng chí mong muốn doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tăng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của tỉnh trong năm 2016. Trên cơ sở một số đề xuất của Công ty TNHH Hải Linh liên quan đến việc giải phóng mặt bằng để hoàn thiện đường vào kho cảng; cho phép công ty tiếp tục đầu tư vào hệ thống bán lẻ trên địa bàn; điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ trên tuyến sông Lô theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT… đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét và sớm có các giải pháp tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi để Công ty ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; đặc biệt các ngành liên quan cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của nhà nước về thanh, kiểm tra tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp…


Đức Minh






Công ty TNHH Hải Linh đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước

Tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh



Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế; đảm bảo huy động đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật; tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; ngày 13-10-2016, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số: 17/CT-UBND, trong đó UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ sau:


Cục Thuế tỉnh:


Tham mưu, đề xuất trình UBND tỉnh về các giải pháp, biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn phù hợp với chính sách thuế quy định từng thời kỳ; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý thu thế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thông qua giải pháp niêm phong, kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016.


Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn biết và thực hiện về biện pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu thông qua giải pháp niêm phong, kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu.


Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ đối với mặt hàng xăng, dầu lưu thông trên thị trường; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp lệ để trốn thuế.


Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế, nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng, dầu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.


Sở Công thương:


Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng, dầu đối với các doanh nghiệp, các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng, dầu, nhất là các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế trên địa bàn; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, gian lận về đo lường, chất lượng, các vi phạm về an toàn phòng chống cháy nổ.


Chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn về: Điều kiện kinh doanh; thực hiện việc mua bán trong hệ thống phân phối; các quy định về bồn chứa, vận chuyển xăng, dầu và các quy định liên quan khác.


Xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề về xăng, dầu nhằm đưa hoạt động này dần đi vào nền nếp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Số lượng, chất lượng, tình trạng hoạt động của thiết bị đong, đếm, bình đong đối chứng, hợp đồng đại lý với thương nhân cung cấp xăng, dầu và các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu. Kiểm soát tốt nguồn gốc xăng, dầu lưu thông trên thị trường; kiên quyết xử lý các hành vi mua bán xăng, dầu ngoài hệ thống phân phối, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu theo quy định của pháp luật.


Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thông qua giải pháp niêm phong, kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sơ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.


Sở Tài chính:


Tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng quản lý giá đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý giá; kiểm tra, kiểm soát tình hình giá cả đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; xử lý các hành vi vi phạm về giá theo quy định của pháp luật.


Sở Khoa học và Công nghệ:


Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và các vi phạm khác theo thẩm quyền; thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm định cột đo nhiên liệu (cột bơm) cho những cột bơm thuộc các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trong quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.


Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng cho người lao động tại các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu.


Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thông qua giải pháp niêm phong, kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.


Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh:


Phối hợp phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Tuyên truyền rộng rãi về biện pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu thông qua giải pháp niêm phong, kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.


Thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu theo quy định của pháp luật; nhất là các vi phạm về đo lường, chất lượng, an toàn phòng chống cháy nổ.


Công an tỉnh:


Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ tại tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; giải quyết các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trong quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.


Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thông qua giải pháp niêm phong, kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.


Đối với cơ sở kinh doanh xăng, dầu:


Doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng, dầu và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng, dầu không được ký hợp đồng đại lý với các đại lý bán lẻ xăng, dầu khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu.


Tổng đại lý kinh doanh xăng, dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng, dầu và các đại lý bán lẻ xăng, dầu phải thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về ký hợp đồng làm tổng đại lý, làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng, dầu và làm đại lý bán lẻ xăng, dầu.


Thực hiện đầy đủ và đúng quy định của Luật Kế toán và các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng, dầu; khi bán xăng, dầu phải xuất đầy đủ hóa đơn theo quy định cho người tiêu dùng. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai thuế, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu theo quy định của pháp luật.


Cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được kiểm tra.


Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:


Chịu trách nhiệm, chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý phối hợp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các đơn vị kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn.


Phối hợp với các sở, ngành làm tốt công tác quản lý quy hoạch xăng, dầu. Rà soát lại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn; phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan liên quan kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chưa đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu hoặc chưa có trong quy hoạch được phê duyệt.


Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương cung cấp kịp thời thông tin có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh xăng, dầu đóng tại địa bàn và cử lực lượng chức năng tham gia phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn khi có yêu cầu.


Các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, các doanh nghiệp liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.


B.T






Tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh

Thursday, October 20, 2016

Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016



Để xác định số lượng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, làm căn cứ thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đồng thời đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của các xã, phường, thị trấn, của các huyện, thành, thị và của tỉnh, ngày 7-10-2016 UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016.


UBND tỉnh yêu cầu: Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở và sự tham gia của người dân. Rà soát từ khu dân cư, trực tiếp đối với từng hộ gia đình, đảm bảo chính xác, khoa học, khách quan, công khai, dân chủ, đúng quy trình, đúng đối tượng, đúng thực trạng, không trùng lặp, tránh bỏ sót đối tượng, tạo được sự đồng thuận của người dân.


Phạm vi rà soát: Hộ gia đình thuộc đối tượng rà soát là những hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương (không bao gồm những hộ có hộ khẩu thường trú nhưng không có mặt tại địa phương từ 6 tháng trở lên) và những hộ đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương từ 6 tháng trở lên.


Đối tượng rà soát: Các hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang quản lý; các hộ gia đình không thuộc diện nghèo, cận nghèo năm 2016 đăng ký rà soát;


Các hộ gia đình không đăng ký nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn được cán bộ khu dân cư xem xét đưa vào danh sách rà soát.


Địa bàn rà soát, phân loại: Khu dân cư.


Tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện từ ngày 15/10/2016 đến ngày 31/12/2016.


Thực hiện rà soát thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để xác định thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy trình tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.


Để tổ chức thực hiện kế hoạch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:


Chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện rà soát, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định; thiết kế, in ấn phiếu, biểu mẫu, tài liệu hướng dẫn và các văn bản liên quan đến công tác rà soát cấp phát cho địa phương, cơ sở phục vụ nhiệm vụ;


Xây dựng dự toán kinh phí chi cho công tác tập huấn, in ấn phiếu, biểu mẫu, giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016, gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; tham mưu với Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn cấp huyện đảm bảo thực hiện kế hoạch rà soát đúng tiến độ và thời gian quy định.


Cục Thống kê tỉnh:


 Phối hợp, cung cấp cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các thông tin, số liệu liên quan đến công tác rà soát: Mã vùng địa phương, các số liệu về dân số, số hộ dân cư trên địa bàn để làm cơ sở tính tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu sau rà soát.


Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong quá trình triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát hoạt động rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính:


Thẩm định dự toán, cân đối, đề xuất trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí chi cho công tác tập huấn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.


Các sở, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh:


Phân công lãnh đạo và công chức phối hợp với UBND các huyện, thành, thị được phân công phụ trách để chỉ đạo, giám sát quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xem xét giải quyết những vướng mắc từ cơ sở thuộc thẩm quyền Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.


Chịu trách nhiệm về độ chính xác của kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn phụ trách.


Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:


Xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Phân công trách nhiệm các thành viên trong Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện phụ trách các xã, phường, thị trấn trong thời gian rà soát;


Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 trên địa bàn.


Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương;


Báo cáo kết quả rà soát về Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) kịp thời, đúng tiến độ kế hoạch đề ra.


Ban hành quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 trên địa bàn.


Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức việc cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo Phụ lục số 2e- Mẫu giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo ban hành kèm theo Thông tư số: 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.


Lập danh sách người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mua cấp thẻ BHYT năm 2017 trước ngày 31/12/2016, chuyển BHXH in cấp thẻ cho đối tượng đảm bảo thời gian quy định.


Chủ tịch UBND huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.


Ủy ban nhân dân cấp xã:


Chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã trực tiếp tổ chức thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn với nhiệm vụ cụ thể như sau:


Phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các phương tiện truyền thông; khuyến khích các hộ gia đình chủ động đăng ký tham gia.


Xây dựng phương án kế hoạch, kinh phí, tổ chức lực lượng tham gia công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.


Tổng hợp, phân loại và lập danh sách chi tiết các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn sau khi có kết quả rà soát chính thức, báo cáo kết quả để Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp và có ý kiến thẩm định.


Trên cơ sở kết quả rà soát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.


Cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo Thông tư số:  17/2016/TT – BLĐTB&XH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.


Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm; theo dõi, cập nhật bổ sung thông tin đặc điểm của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn vào phần mềm quản lý khi phát sinh những thay đổi.


B.T






Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016

Wednesday, October 19, 2016

Giám sát hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng



Ngày 19-10, đồng chí Trần Phù Tiêu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ) tại huyện Hạ Hòa và Đoan Hùng. Cùng đi có đồng chí Dương Hoàng Hương – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo: Sở KH-ĐT, Sở Tài chính; Hội Nông dân, Hội CCB, Hội LHPN tỉnh; Tỉnh đoàn.
 




Đồng chí Trần Phù Tiêu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát kết luận việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động GSĐTCĐ tại huyện Đoan Hùng.
Đồng chí Trần Phù Tiêu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát kết luận việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động GSĐTCĐ tại huyện Đoan Hùng.

Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động GSĐTCĐ tại các xã Y Sơn, Văn Lang (huyện Hạ Hòa), Ca Đình, Tiêu Sơn (huyện Đoan Hùng) và thông qua báo cáo của hai huyện cho thấy, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, Ban GSĐTCĐ các xã thường xuyên được củng cố, kiện toàn, cơ bản thực hiện tốt việc giám sát các chương trình, dự án đầu tư triển khai trên địa bàn. Trong đó, tập trung đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư, kế hoạch đầu tư với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương; theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định mà chủ đầu tư, nhà thầu phải chấp hành. Qua giám sát, các Ban GSĐTCĐ đã phát hiện kịp thời những sai sót trong quá trình thi công dự án, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, tác động tiêu cực của dự án đến môi trường, những thất thoát vốn, tài sản của dự án…góp phần đảm bảo chất lượng, cũng như tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết về chuyên môn của các thành viên còn bất cập, công tác phối hợp còn hạn chế, kinh phí hoạt động hạn hẹp, việc chấp hành chế độ báo báo chưa kịp thời…dẫn đến công tác GSĐTCĐ đối với một số dự án trên địa bàn hiệu quả chưa cao.


Đoàn giám sát yêu cầu lãnh đạo hai huyện Hạ Hòa và Đoan Hùng làm rõ một số nội dung như việc triển khai các văn ban chỉ đạo; việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giám sát hàng năm của xã; quy trình bầu thành viên ban GSĐTCĐ, quy trình GSĐTCĐ, nội dung giám sát, các hạng mục quan tâm giám sát; việc đánh giá tác động của các dự án đến môi trường; nêu số liệu cụ thể về các dự án chưa đảm bảo chất lượng, tiến độ, việc xâm hại quyền lợi của cộng đồng…điều kiện cần thiết để công tác GSĐTCĐ hiệu quả như công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho thành viên cũng như kinh phí hoạt động của ban GSĐTCĐ…


Đồng chí Trần Phù Tiêu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao vai trò các ban GSĐTCĐ của hai địa phương thời gian qua, đồng thời yêu cầu: Các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về hoạt động GSĐTCĐ; cần lãnh đạo việc giám sát đầu tư đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi và nội dung giám sát đầu tư theo quy định; không gây cản trở công việc của các đối tượng chịu sự GSĐTCĐ; tăng cường công tác tập huấn cho các thành viên của ban GSĐTCĐ, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động cho ban GSĐTCĐ. Ban GSĐTCĐ các xã căn cứ vào yêu cầu thực tế cần giám sát và hướng dẫn của MTTQ, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện GSĐTCĐ phù hợp với quy định của pháp luật và của Quy chế GSĐTCĐ; tập trung làm tốt quy trình giám sát đầu tư cộng đồng; thực hiện chế độ thông tin báo cáo, tổng hợp, phản ánh kết quả giám sát đảm bảo kịp thời, trung thực, khách quan…


Phương Thảo






Giám sát hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng